RSS

Gia Định thời kỳ 1777 – 1802 (3)

28 May

Lai lịch Nguyễn Ánh

Nguyễn Ánh tức Nguyễn Phước Ánh, còn có tên là Chủng và Noãn, sinh năm 1762, là con thứ ba của Nguyễn Phước Luân. Luân là con thứ hai của Thế tông Phước Hoạt, khi Phước Hoạt còn ở ngôi thì con thứ chín là Phước Hạo được lập làm thế tử đã chết năm 1760, con trưởng là Phước Chương cũng đã chết từ 1763, nên có ý truyền ngôi cho Phước Luân, sai Trương Văn Hạnh, Lê Cao Kỷ làm thầy, cho cùng các đại thần dự bàn chính sự. Nhưng năm 1765 Phước Hoạt chết, Trương Phước Loan thấy Luân đã lớn khó kìm chế nên giả di chiếu đem giam vào lãnh thất, lập con thứ mười sáu của Phước Hoạt là Phước Thuần năm ấy mới 11 tuổi lên ngôi, tức Duệ tông. Có tài liệu nói Phước Loan giam Luân đến chết đói, nhưng sử quan triều Nguyễn về sau chép Luân “lo buồn sinh ốm, tháng 9 ngày Quý mùi (năm Ất dậu 1765) về phủ đệ thì băng, thọ 33 tuổi”. Luân được triều Nguyễn truy tôn là Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế, có ba người vợ, trong đó hai người là chị em, người sinh ra Ánh là em tức Hiếu Khang hoàng hậu, người chị là Từ phi.

Ánh có năm anh em trai, bốn chị em gái. Anh lớn là Hạo, làm Cai cơ, đánh nhau với Tây Sơn chết trận. Anh thứ hai con cùng mẹ với Ánh là Đồng, làm Đội trưởng, năm 1777 theo hộ giá Duệ tông Phước Thuần, bị Tây Sơn giết chết ở Long Xuyên. Em kế Ánh tức con thứ tư của Nguyễn Phước Luân thì chết lúc còn nhỏ. Người kế là Mân, năm 1783 đánh nhau với Tây Sơn ở đồn Cá Trê thua chạy qua cầu phao, Tây Sơn chặt cầu phao nên rơi xuống nước chết đuối. Người kế nữa em cùng mẹ với Ánh là Điển, năm 1783 bị Tây Sơn bắt giết ở hòn Đá Chồng. Chị lớn cùng mẹ với Ánh là Long Thành công chúa Ngọc Tú, năm 1779 vào Gia Định, được gả cho Cai cơ Lê Phước Điển, năm 1783 Điển mặc áo ngự chịu chết thay Ánh, bị Tây Sơn bắt giết ở hòn Đá Chồng. Chị thứ hai là Phước Lộc công chúa Ngọc Du, năm 1779 vào Gia Định, được gả cho Chưởng Hậu quân Võ Tánh, năm 1801 Tánh bị Tây Sơn bao vây, tự thiêu ở thành Bình Định. Em gái kế Ánh là Minh Nghĩa công chúa Ngọc Tuyền, năm 1779 vào Gia Định, được gả cho Cai cơ Nguyễn Hữu Thoại, năm 1782 Thoại bị Tây Sơn đánh bại ở Đồng Nai, vợ chồng lạc nhau, kế Thoại được sai qua Xiêm cầu viện, Ngọc Tuyền ẩn náu trong dân gian bị Đốc chiến Tây Sơn là Tập bắt được đưa về Sài Gòn, trên đường chửi mắng rồi nhảy xuống sông tự tử, năm ấy mới 19 tuổi. Hữu Thoại thì theo đường Chân Lạp qua Xiêm, bị người Chân Lạp giúp Tây Sơn nên giết chết. Em gái út Ánh là công chúa Ngọc Uyển, mẹ họ Tống, sau 1774 lưu lạc trong dân gian ở Thanh Hóa, lấy chồng là Tống Phúc Tín. Riêng cha Ánh sau khi đã chết về tay Trương Phước Loan năm 1765 đến 1790 lại bị Nguyễn Huệ sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đem quân tới xã Cư Hóa đào mộ, vứt xương xuống vực. Bấy nhiêu tai họa đổ lên cả gia tộc lẫn gia đình như vậy hẳn cũng khiến Nguyễn Ánh đối với Tây Sơn ngày càng nhiều căm hận, đây là yếu tố tâm lý khiến cuộc chiến tranh chống Tây Sơn mà ông phát động mang đậm màu sắc phục thù.

Năm 1777, Thái thượng vương Phước Thuần và Tân chính vương Phước Dương bị Tây Sơn bắt giết. Hoàng gia Đàng Trong ở Nam Bộ chỉ còn Nguyễn Ánh lớn nhất, nên năm sau Ánh được các tướng lĩnh Đàng Trong ở Nam Bộ tôn là Đại Nguyên soái Nhiếp quốc chính, đến 1780 xưng vương, trở thành người đứng đầu các lực lượng chống Tây Sơn trên địa bàn phía nam sông Gianh. Trải qua nhiều lần quân tan tướng chết, trốn lánh bôn ba, cầu viện nước ngoài, thậm chí giao cả con là Phước Cảnh cho Pigneau de Béhaine đưa qua Pháp cầu viện, năm 1788 Ánh chiếm lại được Gia Định lần cuối. Lúc bấy giờ anh em Tây Sơn chia rẽ nghiêm trọng, bộ phận mạnh nhất của Tây Sơn là lực lượng dưới quyền Quang Trung Nguyễn Huệ lại bị hút vào các công việc tổ chức chính quyền, quản lý xã hội ở miền Bắc, lực lượng dưới quyền Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ lại không đủ cả ý chí lẫn khả năng nên sau 1788 dần dần rơi vào thế bị động trong cuộc chiến tranh với Nguyễn Ánh. Năm 1801 Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc. Năm 1802 Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long, chia quân làm hai đường ra Bắc, thủy lục cùng tiến, chỉ trong một tháng chiếm được Thăng Long, bắt được Quang Toản, tiêu diệt nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, trở thành ông vua đầu tiên của triều Nguyễn, vì triều Nguyễn mô phỏng thể chế nhà Thanh, mỗi đời vua chỉ đặt một niên hiệu nên còn gọi là vua Gia Long.

Vua Gia Long chết năm 1819, là ông vua “đã trung hưng lại khai sáng” của triều Nguyễn, được triều Nguyễn tôn là Thế tổ Cao hoàng đế.

Con người Nguyễn Ánh

Như đã nói ở trên, Nguyễn Ánh mồ côi cha từ năm 3 tuổi, và hơn thế nữa, còn đã ngẫu nhiên trở thành một nạn nhân trong tấn thảm kịch tranh giành quyền lực ở triều đình Thuận Hóa từ 1765. Đại Nam Liệt truyện Tiền biên chép Nguyễn Phước Mão (tức Nguyễn Phước Văn, sử quan triều Nguyễn chép
là Tôn Thất Văn) là con thứ ba của Thế tông Phước Hoạt, bị Trương Phước Loan giết năm 1773, đến 1802 Gia Long xét Mão “có công nuôi nấng bảo bọc lúc còn nhỏ” nên ban cho 30 mẫu ruộng thờ, theo đó có thể biết sau khi cha chết Ánh đã trải qua những tháng ngày nếu không phải cơ cực thì cũng là tủi nhục bên cạnh nhiều hiểm nguy thường xuyên rình rập. Quãng đời ấy hẳn đã làm hình thành nơi Ánh các phẩm chất thận trọng cũng như nhẫn nại, các phẩm chất sẽ giúp ông sau khi theo Duệ tông Phước Thuần chạy vào Gia Định vẫn có thể trở lại được Phú Xuân.

Sau khi vào Gia Định năm 1775, Ánh được Duệ tông phong làm Chưởng sử, coi quân Tả dực. Sử quan triều Nguyễn chép trong thời gian này Ánh theo phò giá Duệ tông không lúc nào rời, có lần đang đi đường, nghe tin quân Tây Sơn đuổi tới, Duệ tông cho Ánh cưỡi ngựa ngự chạy trước, Ánh không chịu. Duệ tông khóc nói “Nay gặp bước gian truân thế này, tài ta không dẹp được loạn, việc miếu xã quan hệ ở cháu, cháu còn thì nước mới còn”, Ánh bất đắc dĩ vâng mệnh, nhưng đi được nửa giờ thì dừng ngựa đứng đợi. Quân Tây Sơn đuổi theo đường khác, lát sau Duệ tông tới, Ánh đón bên đường. Duệ tông nói “Lòng cháu ta như thế, trời thật đã soi xét”. Câu chuyện này đề cao lòng trung thành của Nguyễn Ánh với Duệ tông, song nhìn từ khía cạnh khác thì đây cũng là một cách ứng xử khôn ngoan của Ánh. Sau khi triều đình Thuận Hóa chạy vào Gia Định, Lý Tài đã ép Duệ tông nhường ngôi cho Đông cung Phước Dương, điều này dẫn tới sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các nhân vật đứng đầu chính quyền Đàng Trong. Trong khi đó Ánh lại là con Phước Luân, vốn đã chết vì việc lên ngôi của Duệ tông. Mặc dù Duệ tông không phải chịu trách nhiệm về cái chết của cha Ánh, nhưng trong hoàn cảnh nội bộ chia rẽ như vậy thì các tướng sĩ trung thành với Duệ tông không thể không nghi ngờ Ánh thù Trương Phước Loan mà hận lây qua Duệ tông. Cho nên với việc theo sát không lúc nào rời và thể hiện lòng trung thành chia sẻ hoạn nạn với Duệ tông, Ánh đã giữ được sự an toàn cho bản thân và hơn thế nữa, còn nghiễm nhiên trở thành người thừa kế hợp pháp của các chúa Nguyễn Đàng Trong về sau.

Sử quan triều Nguyễn chép Nguyễn Ánh giỏi dùng súng điểu thương, mỗi khi ra trận hễ bắn là trúng, khẩu súng ấy về sau được Minh Mạng đặt tên là Võ công lương khí, cất giữ cùng với áo chiến và nón chiến của Ánh như những hiện vật quý giá trong Bảo tàng chống Tây Sơn của triều Nguyễn. Ánh cũng giỏi bơi lội, thạo chèo thuyền, những lúc trốn lánh Tây Sơn có khi cũng cùng chèo chống với tướng sĩ, thích ăn cơm với mắm ruốc trộn tiêu, ớt, hồi hương, quế chi, tỏi, gừng, ô mai giã nhỏ trộn vào nhau, bữa nào cũng dùng, xem ra đã thích ứng khá tốt với điều kiện tự nhiên và môi trường văn hóa đương thời ở Nam Bộ. Một tài liệu phương Tây tả Nguyễn Ánh lúc đứng tuổi “dáng người cao trung bình, vẻ mặt đều đặn, nhẹ nhõm”, “màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi…” (John Barrow). Cần lưu ý rằng mặc dù từ thuở thiếu thời đến lúc thành niên đã phải trải qua rất nhiều gian khổ, Gia Long lại là người sống lâu nhất trong các vua triều Nguyễn trước thế kỷ XX (ông chết năm 57 tuổi. Minh Mạng chết năm 50 tuổi, Thiệu Trị chết năm 40 tuổi, Tự Đức chết năm 54 tuổi, Đồng Khánh chết năm 24 tuổi…).

Công bằng mà nói, việc kiên trì đấu tranh qua suốt hai mươi lăm năm rồi tiêu diệt được nhà Tây Sơn năm 1802 cho thấy ngoài lòng căm hận và ý chí phục thù, Nguyễn Ánh cũng phải có những phẩm chất cá nhân hiếm có, những phẩm chất này là sự kết hợp nhiều yếu tố cá nhân và gia đình, văn hóa và xã hội, truyền thống và thời đại, địa phương và quốc tế… mà việc tiếp tục tìm hiểu có thể góp phần soi rọi nhiều khía cạnh trong lịch sử nội chiến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thương nhân, giáo sĩ và sĩ quan phương Tây cuối thế kỷ XVIII đã dành cho ông nhiều lời tán dương về cả tài năng, trí tuệ lẫn tính cách “Người ta nói ông gan dạ, không thô kệch, ứng biến mau lẹ trong mọi tình thế. Suy nghĩ chín chắn, không bao giờ khó khăn ngăn chặn được ông và trở ngại không làm ông lùi bước… Cử chỉ của ông đối với người ngoại quốc thật dễ thương và hòa nhã. Các tướng lãnh dưới quyền rất kính phục ông. Ông đối xử với họ rất nhã nhặn, thân mật và tốt bụng…” (John Barrow). “(Nguyễn Ánh) chú ý và thích thú với tất cả những gì thuộc về khoa học phát minh” (Dayot). “Ông hoàng này có lẽ là con người nóng nảy nhất trong xứ, nhưng những lời rầy la của Giám mục Adran đã làm đằm lại tính nết bồng bột ấy. Ông cương quyết nhưng không hung bạo, ông hay nghiêm khắc nhưng theo luật lệ. Ông có đủ đức độ về tâm hồn cũng như về trí tuệ. Ông biết nhớ ơn, bao dung và tế nhị về danh dự. Lớn lên trong tai ương, ông chịu đựng được nghịch cảnh một cách can đảm (…). Lúc trẻ ông ưa rượu, nhưng từ khi phải làm người đứng đầu, ông đã bỏ và đến nay vẫn không nếm một giọt. Vì vậy, ông ra những mệnh lệnh rất nghiêm khắc đối với những kẻ say sưa (…). Hăng hái, thông tuệ, thẳng thắn, ông hiểu ngay lập tức những chuyện phức tạp nhất. Ông nhớ mọi chuyện rất lâu và bắt chước rất dễ dàng. Ông rất siêng năng. Ban đêm, ông đọc nhiều. Ông rất tò mò tìm hiểu. Đó là vị hoàng đế vĩ đại nhất từ xưa đến nay của xứ Cochinchine” (Le Labousse).

Những truyền thuyết quanh việc “Gia Long phục quốc” trong truyện kể dân gian Nam Bộ

Quả thật Nguyễn Ánh là ông vua để lại nhiều truyền thuyết nhất ở Nam Bộ, vì trong các
vua chúa Việt Nam không có người nào mà vết chân in khắp vùng Nam Bộ như ông ta, đặc biệt là trong thời gian trốn lánh Tây Sơn trước 1788. Căn cứ vào nội dung, có thể chia các truyền thuyết này làm hai loại: một loại kể chuyện “Gia Long phục quốc”, một loại nhằm giải thích sự kiện, địa danh… nào đó ở địa phương, trong đó loại thứ hai hầu như hoàn toàn đều là hư cấu, ít có giá trị trong việc tìm hiểu lịch sử, nên ở đây chỉ nói tới loại đầu. Các truyền thuyết dưới đây đều được sử thần triều Nguyễn ghi nhận trong Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ.

“Năm Đinh dậu (1777) giặc Tây Sơn vào cướp Sài Gòn (thuộc Gia Định). Duệ tông đi Rạch Chanh (thuộc Định Tường). Vua đem binh Đông Sơn tới ứng viện, đón Duệ tông qua Cần Thơ (đạo Trấn Giang thuộc An Giang) rồi tới Long Xuyên (thuộc Hà Tiên). Tháng 9 mùa thu, quân giặc theo ngặt, ngày Canh thìn Duệ tông bị nạn băng. Một mình vua được thoát, lên thuyền đậu ở sông Khoa (thuộc Long Xuyên), định nhân đêm vượt biển lánh giặc. Chợt có con cá sấu cản ngang mũi thuyền ba lần, bèn thôi. Sáng hôm sau hỏi dò mới biết đêm ấy có thuyền giặc phía trước”.

“Năm Nhâm dần (1782)… Tháng 4… Vua tới Hà Tiên, cưỡi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy gì nhưng nghe dưới đáy thuyền dường như có vật gì đó, tảng sáng nhìn ra thì là một bầy rắn. Tùy tùng đều sợ hãi, vua giục cứ đi, lát sau bầy rắn đi mất. Thuyền vua bèn tới đảo Phú Quốc”.

“Năm Quý mão (1783)… Tháng 4… Vua đi Bến Lức. Quân giặc đuổi theo, nước sông chảy mạnh, không có thuyền qua, quân sĩ bơi qua, nhiều người chết đuối. Vua vốn biết bơi nên qua được. Tới Rạch Chanh, dưới sông nhiều cá sấu, không bơi qua được. Nhân có con trâu nằm bên sông, vua bèn cưỡi để qua, tới giữa sông nước triều lên, trâu chìm mất, có cá sấu tới giúp”.

“… Tháng 7. Nguyễn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai bè đảng là Phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy quân tới vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Chợt mưa gió nổi lớn, bốn bề mây mù kín mít, cách nhau gang tấc cũng không nhìn thấy, sóng biển nổi lớn, thuyền giặc tan vỡ bị đắm không biết bao nhiêu mà kể. Vua bèn cưỡi thuyền vượt qua vòng vây tới hòn Cổ Cốt rồi về Phú Quốc”.

“… Vua tới cửa biển Ma Ly, dò thăm tình hình hư thực của giặc, chợt gặp hai mươi chiến thuyền của giặc kéo tới vây chặt. Thuyền vua kéo buồm cứ nhắm hướng đông mà chạy, trôi dạt trên biển suốt bảy ngày đêm, trong thuyền quân sĩ đều khát. Vua lo lắm, ngửa mặt lên trời khấn “Nếu ta có phận làm vua, thì xin cho thuyền này dạt vào bờ để cứu mạng cả thuyền, nếu không thì chết đuối giữa biển cũng cam lòng”. Dứt lời thì gió yên sóng lặng, nhìn thấy mặt nước trước thuyền chia làm hai dòng đen trắng rõ ràng, nước trong sủi lên. Mọi người trong thuyền nếm thử thấy ngọt, kêu lớn “Nước ngọt, nước ngọt!” lúc ấy mọi người tranh nhau múc uống, ai cũng đỡ khát. Vua mừng rỡ sai múc bốn năm chum, nước biển lại mặn như cũ. Giặc đã lui, thuyền vua lại trở về Phú Quốc”.

“Năm Đinh mùi (1787)… Tháng 7… Thuyền vua tới Long Xuyên. Nguyễn Văn Trương đem binh thuyền sở bộ tới xin theo. Văn Trương người huyện Lễ Dương Quảng Nam, tài lược hơn người. Đầu tiên theo giặc làm Chưởng cơ, trong trận Long Xuyên (tức năm 1777), vua chạy đi Trà Sơn, Văn Trương đuổi theo gần kịp. Chợt trong rừng không gió mà cây to đổ xuống lấp kín đường, Văn Trương cho là có thần, dẫn quân trở về. Đến bấy giờ trấn giữ Long Xuyên, nghe tin vua đã về, bèn sai thuộc hạ là Hoàng Văn Điểm ra biển đón trước, rồi đem 300 quân và 15 chiến thuyền tới bái yết”.

Những truyền thuyết về Gia Long Nguyễn Ánh nói trên thực hư khó biết, nhưng đại khái đều có thể ít nhiều giải thích được. Chẳng hạn chuyện gió bão ở Côn Lôn, nước ngọt ngoài biển rộng hoàn toàn phù hợp với thời tiết và dòng thủy lưu trên biển, còn chuyện cá sấu cản đường, bầy rắn dưới thuyền, cây rừng tự đổ có thể hoàn toàn là ngẫu nhiên. Chỉ có chuyện cá sấu tới giúp Ánh qua sông là khó giải thích nhưng cũng rất khó tin, rất có thể do Ánh bịa ra vì quả thật chẳng có nhân chứng vật chứng nào để xác minh cả.

Tuy nhiên, điều quan trọng là vì sao những truyền thuyết loại này không những rất nhiều mà còn lưu hành rất rộng ở Nam Bộ các thế kỷ trước. Ở đây có lý do lịch sử, vì trong một thời gian dài từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX phần lớn nhân dân Nam Bộ vẫn coi họ Nguyễn từ thời Đàng Trong đến thời Nguyễn là vương triều chính thống, nên việc họ khẳng định “chân mệnh thiên tử” của Nguyễn Ánh cũng là điều dễ hiểu. Cần nói thêm rằng ý thức chính trị này sẽ đư
c tái tạo qua các tiểu thuyết dã sử như Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc mang hàm ý chống Pháp xuất hiện trong văn học viết bằng chữ quốc ngữ latinh ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX.

Quân Hòa Nghĩa

Năm 1771, Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ở Tây Sơn, bọn khách thương người Hoa là Tập Đình và Lý Tài ở Quảng Nam nổi lên hưởng ứng, được Nhạc thu nhận. Tập Đình xưng là Trung Nghĩa quân, Lý Tài xưng là Hòa Nghĩa quân. Nhạc lại mộ nhiều thổ dân cao lớn, cho cạo đầu thắt bím cải trang làm người Thanh, ra trận thì uống rượu say, cởi trần, đeo giấy tiền vàng bạc tỏ ý liều chết xông vào, quân Nguyễn không sao chống nổi, Nhạc thường dùng làm tiên phong. Ngoài ra vào năm 1775, Nhạc từng sai Tập Đình, Lý Tài đem thủy binh ra cửa biển Hiệp Hòa, theo đó có thể thấy quân Trung Nghĩa, Hòa Nghĩa vốn là khách thương người Hoa nên có nhiều thuyền bè, thạo việc thủy chiến.

Năm 1775 Tập Đình và Lý Tài đánh tới Ô Da, phá tan quân Nguyễn, bắt được Đông cung Phước Dương đưa về Hội An. Tập Đình nhiều lần muốn giết, Lý Tài khuyên can mới thôi. Có lẽ đây là lý do khiến Phước Dương ít nhiều mang ơn Lý Tài, sự phát triển của mối ân tình này sẽ dẫn tới nhiều rối ren trong nội bộ chính quyền Đàng Trong ở Gia Định về sau.

Khi tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc qua đèo Hải Vân năm 1775, Nguyễn Nhạc sai Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, đón đánh quân Trịnh ở Cẩm Sa, nhưng có lẽ chiến thuật người say liều mạng không chống nổi đội hình ngựa khỏe xông bừa nên quân Trung Nghĩa của Tập Đình bị kỵ binh quân Trịnh đánh cho tan tác. Nguyễn Nhạc tức giận muốn giết Tập Đình, Tập Đình chạy qua Quảng Đông, bị Tổng đốc Quảng Đông giết chết. Sau đó Nguyễn Nhạc giả hàng quân Trịnh, kế phá quân Tống Phước Hiệp ở Phú Yên rồi thu quân về Quảng Nam, để Lý Tài ở lại giữ đất. Cuối năm ấy, nhân Châu Văn Tiếp về hàng chúa Nguyễn, Lý Tài cũng đem Phú Yên xin hàng Tống Phước Hiệp, Duệ tông Phước Thuần cho hàng, sai làm thuộc tướng dưới quyền Phước Hiệp.

Năm 1776 Phước Hiệp từ Bình Khang vào cứu viện Gia Định, Lý Tài cũng theo vào, Duệ tông muốn thu dùng, nhưng Đỗ Thanh Nhơn nói “Lý Tài là phường heo chó, dùng cũng vô ích”, vì vậy Lý Tài với Thanh Nhơn có hiềm khích. Kế Phước Hiệp ốm chết. Lý Tài mất người nương tựa mà cũng không ai kiềm chế, bèn cất binh làm phản chiếm giữ núi Châu Thới. Lại chiêu mộ thêm người Hoa ở địa phương, quân số lên tới 8.000 người, chia làm bốn sắc cờ, sai Lý Hiền lãnh cờ vàng, Vương Nam lãnh cờ trắng, Lâm Tân lãnh cờ hồng, Trần Hổ lãnh cờ lam, lại mộ người Minh Hương Thanh Hà và bọn côn đồ vô lại xưng là Trung đao quân chiếm cứ huyện Bình An, hoành hành cướp phá, dần dần thổ phỉ hóa, giết người lấy gan uống rượu, mổ bụng đàn bà có thai, không điều ác nào không làm. Đỗ Thanh Nhơn đem quân Đông Sơn tới đánh, Lý Tài đem quân giao chiến ở chợ Bình Tiên, trá bại dụ quân Đông Sơn tới núi Châu Thới, phục binh ở cầu Bến Ván đánh bại quân Đông Sơn, kế tới đóng tại chợ Băng Bột, định qua sông đánh dinh Phiên Trấn. Đỗ Thanh Nhơn phải đắp lũy ở Bến Nghé và rạch Thị Nghè để giữ. Cuối năm ấy Đông cung Phước Dương vào tới Gia Định, xin cử Tham mưu Nguyễn Danh Khoáng tới dụ Lý Tài. Tài đem quân bản bộ thẳng tới Sài Gòn, quân Đông Sơn thấy bóng chạy tan. Lý Tài gặp Phước Dương, vớ được một bảng hiệu chính trị tốt, bèn đưa Phước Dương về Thủ Dầu Một ba ngày rồi trở lại Sài Gòn, ép Duệ tông Phước Thuần nhường ngôi, được Phước Dương phong là Bảo giá đại tướng quân. Sử chép lúc ấy Nguyễn Ánh biết Lý Tài là người ngang ngược khó kiềm chế nên xin Duệ tông cho đi Ba Giồng chiêu tập quân Đông Sơn. Năm 1777 Nguyễn Huệ vào đánh, thủy quân của Lý Tài đánh nhau với Tây Sơn không thắng, quân bộ dưới quyền Trần Hổ chặn quân Tây Sơn ở Hóc Môn, vừa giết được Tuần sát Tuyên thì tướng Nguyễn là Trương Phước Thận từ Cần Giuộc tới cứu viện, quân Hòa Nghĩa thấy cờ hiệu xa xa, tưởng quân Đông Sơn tới đánh úp bèn rút lui, Tây Sơn nhân đó truy kích, Lý Tài thua to chạy về Ba Giồng, bị quân Đông Sơn giết chết.

Tuy nhiên, sau khi Lý Tài chết, vẫn còn một bộ phận của quân Hòa Nghĩa theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn. Sử chép năm 1778 Hộ giá Phạm Ngạn của Tây Sơn từ Quy Nhơn vào đánh, tướng Hòa Nghĩa là Trần Phượng chặn đánh ở sông Cần Giuộc không thắng phải rút lui. Đến 1782 Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào Gia Định, Tiết chế Bình Thuận Tôn Thất Dụ đem quân vào cứu viện cho Nguyễn Ánh, trong đó có một cánh quân Hòa Nghĩa do Trần Công Chương chỉ huy. Trong trận đánh ở cầu Tham Lương, Trần Công Chương giết được Hộ giá Phạm Ngạn của Tây Sơn. Đến 1783 Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh thua chạy ra đảo Phú Quốc, sai Tôn Thất Cốc (con Tôn Thất Đàm, cháu nội Tôn Thất Cuống. Cuống là con thứ tư của Thế tông Phước Hoạt, em Nguyễn Phước Luân cha Ánh, tức theo thế thứ Cốc là cháu gọi Ánh bằng bác) điều bát thủy quân, cùng tướng đạo Hòa Nghĩa là Điều khiển Trần Đĩnh về Cần Giờ dò xét tình thế quân Tây Sơn. Đĩnh khinh Cốc nhỏ tuổi, nhiều lần không chịu tuân lệnh, bị Cốc giết chết. Thuộc tướn
g của Đĩnh là Tổng binh Trần Hưng, Lâm Húc bèn chiếm giữ Hà Tiên làm phản. Lúc ấy Nguyễn Kim Phẩm tới Hà Tiên thu quân lấy lương, Thái trưởng công chúa Ngọc Đảo (con gái thứ bảy của Thế tông Phước Hoạt, tức theo thế thứ là cô Nguyễn Ánh) cũng tới đó trù biện quân nhu, bị bọn Trần Hưng, Lâm Húc đánh úp giết chết. Nguyễn Ánh được tin cả giận, đích thân đem binh thuyền tới đánh, quân Trần Hưng, Lâm Húc tan vỡ chạy trốn. Từ đó sự tồn tại của quân Hòa Nghĩa ở Gia Định kể như chấm dứt, nhưng cung cách “sớm đầu tối đánh” và nhất là thủ đoạn tàn ác của họ lúc làm phản chúa Nguyễn năm 1776 khiến lực lượng này để lại một ấn tượng không hay đối với nhân dân địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà khoảng 1835, một tác giả khuyết danh người Gia Định trong bài Văn đĩ tế Chệc ngụy vẫn so sánh các khách thương người Hoa tham gia cuộc binh biến Lê Văn Khôi với các đạo quân Trung Nghĩa, Hòa Nghĩa cuối thế kỷ XVIII “Hoặc bà con Thiên địa hội ngày xưa, quen thói muốn hành cường hành kiếp, Hay đảng lũ Tập Đình hầu thuở nọ, mông lòng gây tương tặc tương tàn”, xếp những người như Tập Đình, Lý Tài vào loại giặc cướp vô lương.

Quân Đông Sơn

Năm 1776, Nguyễn Lữ đem quân vào đánh quân Nguyễn ở Gia Định, Duệ tông Phước Thuần triệu Tống Phước Hiệp từ Bình Khang vào cứu viện, lại sai Đỗ Thanh Nhơn mộ quân cần vương. Đỗ Thanh Nhơn chiêu mộ được Huỳnh Đức (tức Nguyễn Huỳnh Đức), Trần Búa, Đỗ Hoành, Đỗ Ky, Võ Nhàn, Đỗ Bảng và 3.000 người từ Ba Giồng (Mỹ Tho), tự xưng là Đông Sơn thượng tướng quân kéo về Sài Gòn đánh Nguyễn Lữ, Lữ chạy về Quy Nhơn. Quân Đông Sơn xuất hiện từ đó, với những hoạt động tác động đáng kể tới lịch sử chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn và Tây Sơn – Nguyễn Ánh ở Nam Bộ đến 1788.

Về thành phần thì quân Đông Sơn chủ yếu là nông dân, trong thời gian đầu tuy có những người làm thầy dạy võ như Nguyễn Liễu Cửu nhưng cơ bản không phải là quân đội chuyên nghiệp, trang bị chủ yếu chỉ là các loại võ khí tự tạo thô sơ. Đoạn mô tả trận đánh giữa quân Đông Sơn với quân Hòa Nghĩa năm 1776 trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho thấy sự chênh lệch giữa đôi bên về trang bị kỹ thuật “Lúc ấy quân Hòa Nghĩa dùng mác dài tám thước, lưỡi như dao cá, đâm chém đều được, cũng có người dùng đao thuẫn và súng điểu thương làm chiến kỹ sở trường, ra trận thì buộc giấy tiền vàng bạc lên đầu tỏ ý quyết chết. Quân Đông Sơn thì lấy ngũ nhan liệu bôi mặt, cầm ống vung dầu rái và sào buộc dây mây có gai thả xuống như đuôi trĩ, cũng có người dùng phác đao đoản đao làm chiến kỹ sở trường”, còn trận thua ở cầu Bến Ván suối Lồ Ô cũng cho thấy sự hạn chế của quân Đông Sơn về trình độ chiến thuật. Không lạ gì mà Đỗ Thanh Nhơn đã phải chịu lép trong vụ Lý Tài đảo chính, ép Duệ tông Phước Thuần phải nhường ngôi cho Đông cung Phước Dương. Nhưng sau thất bại ấy thì phe Duệ tông mà cụ thể là Nguyễn Ánh càng đặt lòng tin vào quân Đông Sơn: sử chép sau biến cố nói trên thì Nguyễn Ánh thấy Lý Tài “kiêu hoành nan chế” đã lo xa xin Duệ tông cho đi Ba Giồng chiêu tập quân Đông Sơn, và đến 1777 khi Nguyễn Huệ vào Gia Định, Duệ tông Phước Thuần thua trận, chạy tới rạch Chanh thì Ánh đã đem 4.000 quân Đông Sơn tới ứng viện. Tuy nhiên có lẽ quân Đông Sơn lúc tan lúc hợp, vì sau đó khi Duệ tông Phước Thuần chạy qua Cần Thơ rồi Long Xuyên thì quân đi theo không còn bao nhiêu người.

Năm 1781, sau khi Nguyễn Ánh giết Đỗ Thanh Nhơn thì thuộc tướng quân Đông Sơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng chiếm giữ Ba Giồng làm phản. Nguyễn Ánh sai Nguyễn Đình Thuyên và Tống Phước Lương chia đường tiến đánh. Phước Lương đánh ở sông Lương Phú bị thua, Thống binh Cai cơ Tống Văn Phước (con Điều khiển Ngũ dinh Tống Văn Khôi thời Đàng Trong) chết trận. Ánh thấy quân Phước Lương không có tiết chế bèn bãi chức Phước Lương, thêm quân hợp đánh, sai Cai cơ Nguyễn Văn Quý và Phan Văn Huyên giả hàng làm nội ứng, bắt được Võ Nhàn và Đỗ Bảng giết chết, dư đảng đều dẹp yên. Tuy nhiên đến cuối 1784, Ánh vẫn phải sai Nguyễn Văn Thành lên Bát Chiên (nay thuộc Long An) và Quang Hóa (nay thuộc Tây Ninh) chiêu dụ dư chúng quân Đông Sơn.

Cần nói thêm về ý nghĩa từ “Đông Sơn”. Trong thực tế, ở vùng Ba Giồng (Mỹ Tho) không có địa danh nào là Đông Sơn. Từ Đông Sơn ở đây vì vậy chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ngụ ý đối lập với Tây Sơn. Nhưng năm 1782, Châu Văn Tiếp kéo quân vào Sài Gòn đánh Tây Sơn giương cờ “Lương Sơn tá quốc” (Lương Sơn giúp nước), thì Lương Sơn lại là một hòn núi có thật ở Phú Yên. Tuy nhiên dù trong ý nghĩa nào thì quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, quân Lương Sơn của Châu Văn Tiếp hay quân Kiến Hòa của Võ Tánh cũng mang tính địa phương rất rõ, một tính chất nếu phát triển theo hướng không lành mạnh sẽ dẫn tới việc ly khai hay cát cứ, mà ở đây có thể coi quân Đông Sơn như ví dụ điển hình.

Vì sao Nguyễn Ánh giết Đỗ Thanh Nhơn?

Cuối thế kỷ XVIII, các lực lượng chính trị ở Việt Nam thường xuyên có sự chia rẽ nội bộ, Lê Trịnh vốn thế, họ Nguyễn Đàng Trong cũng thế, Tây Sơn cũng thế, và lực lượng của Nguyễn Ánh từ 1778 trở đi cũng không nằm ngoài thông lệ này. Những mâu thuẫn cá nhân, bè phái trong hoàn cảnh chiến tranh dễ chuyển thành xung đột, và cũng thường được giải quyết bằng phương tiện bạo lực, kiểu chiến tranh.

Sau khi chiếm lại Sài Gòn, đón Duệ tông Phước Thuần về Bến Nghé năm 1777, Đỗ Thanh Nhơn được thăng làm Ngoại hữu Chưởng dinh Phương quận công. Đến 1778 Nguyễn Ánh dấy quân chiếm lại Sài Gòn, năm 1780 lên ngôi vương, gia phong Thanh Nhơn là Ngoại hữu Phụ chính thượng tướng quân. Nhưng Thanh Nhơn tay cầm trọng binh, dần dần lộng quyền, mặc sức tác uy tác phúc, lấn lướt cả Nguyễn Ánh, có lần gặp ngày giỗ Nguyễn Phước Luân cũng không đưa đủ tiền chợ khiến Ánh phải cầm cả long bào lấy tiền làm lễ giỗ cha, thậm chí khi Ánh đích thân tới nhà riêng cũng không giữ lễ. Tóm lại đối với cá nhân Nguyễn Ánh thì Thanh Nhơn đã trở thành một đối thủ nguy hiểm hơn cả Tây Sơn, nên người đứng đầu nhóm Gia Định tam hùng phải chết một cách không lấy gì làm oanh liệt. Về sự kiện này, sử quan triều Nguyễn chép “Tân sửu, năm thứ 2 (1781), mùa xuân tháng 3. Đỗ Thanh Nhơn có tội bị giết. Lúc đầu Thanh Nhơn cầm quân Đông Sơn, thường có ý vượt quyền. Đến khi vua lên ngôi, Thanh Nhơn cậy mình có công tôn phù, lòng kiêu ngạo càng tăng, quyền sinh sát cho đi lấy lại đều ở trong tay, kinh phí trong cung thì giảm bớt đi, không chịu cung hiến, phàm người bè cánh gần gũi thì tự tiện cho theo họ mình, người có tội thì đem nướng than hừng, hình phạt rất là thảm khốc, ai cũng nghiến răng. Vua cho là người có công, vẫn ưu đãi dung thứ, thường đến thăm tận nhà, cũng không giữ lễ. Bè đảng lại phụ họa thêm, lấn át không kiêng nể gì, toan mưu làm phản. Chưởng cơ Tống Phước Thiêm nói riêng với vua “Xin giết giặc ở bên cạnh vua”. Vua thầm nghĩ hồi lâu. Phước Thiêm nói “Thanh Nhơn lòng muốn theo Mãng Tháo, không thể để được. Nếu dùng kế mà trừ thì chỉ một võ sĩ cũng đủ”. Vua rất lấy làm phải, giả cách ốm cho vời Thanh Nhơn vào cung bàn việc. Vệ sĩ nhân đó bắt giết rồi tức thì tuyên bố tội trạng của Thanh Nhơn mà tha tội cho các tướng hiệu sở thuộc. Sai Chưởng Thủy dinh là Hoảng (không rõ họ) lãnh bộ binh, Tống Phước Thiêm lãnh thủy binh, rồi chia quân Đông Sơn ra làm bốn quân, sai Lê Văn Quân coi Tiền quân, Vũ Doãn Triêm coi Hữu quân, Tống Phước Lương coi Tả quân, Trương Văn Bác coi Hậu quân. Thanh Nhơn chết rồi, đồ đảng nhiều kẻ trốn đi Ba Giồng làm trộm cướp. Vua sai chiêu dụ, đều chống cự không chịu”.

Đoạn ghi chép ngắn gọn trên đây trong Đại Nam Thực lục (Chính biên đệ nhất kỷ) phải giữ thể diện quân vương cho Gia Long nên không thể nói trắng ra là Ánh bị Đỗ Thanh Nhơn lấn lướt phải chịu lép vế, nhưng vì thế đơn lực bạc nên phải dùng tới hạ sách ám sát để cướp binh quyền. Thật ra câu chuyện còn phức tạp hơn, chẳng hạn trước khi giết Đỗ Thanh Nhơn, Nguyễn Ánh từng tới gặp Pigneau de Béhaine lúc mười giờ tối để hỏi kế, nhưng Pigneau cũng có ý dựa dẫm Thanh Nhơn nên khôn ngoan trả lời nước đôi rằng mình là người đứng đầu một tôn giáo cấm không được tham dự vào chuyện giết người, hơn nữa thật là tai hại nếu người ta biết là người đứng đầu Công giáo lại khuyến khích việc giết người, nên xin Nguyễn Ánh đừng ép mình có ý kiến, ông ta xin để Ánh tự quyết định, với hy vọng là Thiên Chúa sẽ soi sáng cho Ánh làm điều có lợi nhất. Cảm thấy bị bỏ rơi, Ánh khóc và ra về khi vẫn chưa quyết định được. Cũng dễ hiểu tâm lý của Ánh khi vừa phải dựa vào Thanh Nhơn để chống Tây Sơn vừa phải đề phòng Thanh Nhơn làm việc soán đoạt, song trong hoàn cảnh ấy nếu công nhiên ra mặt khống chế Thanh Nhơn thì rất có thể Ánh sẽ phải gặp cái họa sát thân. Thậm chí khi quyết ý giết Thanh Nhơn Ánh cũng không dám cho mẹ và vợ biết, nên khi Thanh Nhơn vào cung, mẹ và vợ Ánh bên giường bệnh không tỏ vẻ gì khác lạ khiến Thanh Nhơn không hề đề phòng, nhưng chưa kịp nói câu nào thì đã bị toán vệ sĩ của Ánh núp ở phòng bên cạnh sấn vào đâm chết. Việc ám sát Đỗ Thanh Nhơn vì vậy tuy không mấy vẻ vang nhưng lại là phù hợp nhất trong điều kiện của Ánh, sự chọn lựa này đối với Ánh mà nói cũng là bước trưởng thành đầu tiên về bản lĩnh chính trị, còn bước thứ hai sẽ là kinh nghiệm về việc cầu viện ngoại nhân sau trận Rạch Gầm năm 1784.

Tuy nhiên, việc giết Đỗ Thanh Nhơn lại đưa lực lượng chống Tây Sơn ở Nam Bộ vào tình thế chia rẽ mới. Một số thuộc hạ thân tín của Thanh Nhơn trong quân Đông Sơn làm phản, trở lại Ba Giồng dựa lưng vào Đồng Tháp Mười chống lại Nguyễn Ánh. Hơn thế nữa, cái chết của Thanh Nhơn còn tạo ra một cơ hội cho Tây Sơn đánh vào Gia Định. Năm 1782, được tin Đỗ Thanh Nhơn bị Nguyễn Ánh giết, Nguyễn Nhạc mừng nói “Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đủ sợ nữa”, rồi mang vài trăm chiến thuyền, cất đại quân đích thân vào đánh, Nguyễn Ánh phải bỏ Gia Định chạy về Hà Tiên.

Gia Định tam hùng

Cuối thế kỷ XVIII, trong lực lượng chống Tây Sơn ở Gia Định có ba người được gọi là Gia Định tam hùng (Ba
anh hùng đất Gia Định) là Đỗ Thanh Nhơn, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh. Nhìn từ các khía cạnh quê hương bản quán, lai lịch xuất thân, hành trạng chống Tây Sơn hay công lao đối với họ Nguyễn, ba người này đều không hề giống nhau, nhưng chính vì thế mà ở một mức độ nhất định, cuộc đời của họ đã bổ sung cho nhau làm nên một hệ thống biểu trưng liên hoàn khá hoàn chỉnh về diện mạo xã hội cũng như xu thế lịch sử ở vùng Gia Định trong nội chiến 1771 – 1802 ở Việt Nam.

Đỗ Thanh Nhơn người Thừa Thiên, vốn là Cai đội trong quân Đàng Trong, theo Duệ tông Phước Thuần vào Gia Định năm 1775, năm 1776 chiêu mộ được 3.000 quân Đông Sơn chống Tây Sơn nhiều lần lập công, được Duệ tông Phước Thuần phong là Ngoại hữu Chưởng dinh, tức một trong tứ trụ triều đình theo quan chế của chính quyền Đàng Trong, đến 1780 lại được Nguyễn Ánh phong là Ngoại hữu Phụ chính thượng tướng quân. Nhưng Thanh Nhơn ngạo nghễ khinh người nên đã gây ra vụ xung đột giữa quân Đông Sơn với quân Hòa Nghĩa mở đầu cho sự chia rẽ giữa Duệ tông Phước Thuần và Đông cung Phước Dương năm 1776, lại cậy công lấn chúa nên bị Nguyễn Ánh ám sát năm 1781. Có thể coi nhân vật này là điển hình cho xu thế tha hóa của lực lượng chính thống cũ trước những biến động to lớn của thời cuộc mà cụ thể là sự bất lực của chính quyền Đàng Trong trong việc đối phó với Tây Sơn. Cần nói thêm rằng xu thế này cũng đã manh nha ở Đàng Ngoài với vụ loạn kiêu binh phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông năm 1784, và sau khi Nguyễn Huệ ra Thăng Long lần thứ nhất năm 1786 thì chính thức xuất hiện với việc Nguyễn Hữu Chỉnh phản lại Tây Sơn.

Châu Văn Tiếp người Phú Yên, vốn là tướng Tây Sơn, ly khai Nguyễn Nhạc năm 1775, vào chiếm lại Gia Định năm 1782 rồi đón Nguyễn Ánh từ Phú Quốc về, được phong là Ngoại tả Chưởng dinh. Sau khi Tây Sơn vào Gia Định năm 1783, Tiếp thua trận theo đường thượng đạo chạy qua Xiêm cầu viện, năm 1784 Nguyễn Ánh qua Xiêm được vua Xiêm giúp cho 20.000 quân và 300 chiến thuyền bèn phong Tiếp làm Ngoại tả Chưởng dinh Bình Tây Đại Đô đốc kéo về Gia Định đánh Tây Sơn, nhưng tới Long Hồ Tiếp chết trận ở sông Mân Thít. Ngoài tính chất là biểu trưng về mầm mống của sự chia rẽ nội bộ xuất phát từ tính chất không thuần nhất về tư tưởng và chính trị của Tây Sơn trước khi Nguyễn Huệ tới Thăng Long, nhân vật này là một điển hình về sự bất lực của các lực lượng mới nhưng sớm bị phong kiến hóa theo khuôn khổ tư duy và tập quán hành động cũ. Hình ảnh Châu Văn Tiếp lặn lội “tìm chúa cũ mượn binh Xiêm” lúc Nguyễn Ánh còn long đong quả thật có một nét gì đó giống hệt viên “Sứ thần áo rách nón mê tàn” Lê Quýnh của Lê Chiêu Thống lúc tới Nam Ninh năm 1788 để cầu viện nhà Thanh…

Võ Tánh người huyện Bình Dương, có anh ruột là Võ Nhàn, thuộc tướng Đông Sơn làm phản ở Ba Giồng, bị Nguyễn Ánh giết năm 1782. Năm 1783 Tây Sơn vào Gia Định, Nguyễn Ánh chạy qua Xiêm, Tánh chiêu mộ dư chúng Đông Sơn đóng ở Hóc Môn chống Tây Sơn, kế kéo về chiếm giữ Gò Công, quân số lên tới hàng vạn người, gọi là quân Kiến Hòa, tự xưng là Tổng nhung. Năm 1788 Nguyễn Ánh từ Xiêm về đánh tới Nước Xoáy (An Giang), Tánh đem bộ tướng tới quy phụ, Ánh phong làm Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiên phong, gả chị gái là Trưởng công chúa Ngọc Du cho, đến 1793 phong là Khâm sai Chưởng Hậu quân Bình Tây Tham thặng tướng quân, qua 1795 lại phong là Khâm sai Chưởng Hậu quân Bình Tây Tham thặng đại tướng quân quận công, quý hiển không hai. Năm 1799 Tánh nhận lệnh giữ thành Bình Định, bị Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dũng của Tây Sơn đem quân vây chặt, đến 1801 hết lương phóng hỏa tự thiêu trong thành, lúc ấy Nguyễn Ánh đã chiếm được Phú Xuân. Có thể coi nhân vật này là điển hình cho sự kết nối giữa các yếu tố mang tính chất tiềm năng vốn có của xã hội Việt Nam ở Nam Bộ với các nhân tố mang tính chất thời đại nảy sinh trong lịch sử nội chiến cuối thế kỷ XVIII ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong các đại tướng Bình Tây tướng quân Trung hưng công thần của triều Nguyễn chỉ có Hoài quốc công Võ Tánh được truy tặng tước quốc công, vượt lên tất cả những Lâm Thao quận công Châu Văn Tiếp, Bình Giang quận công Võ Di Nguy, Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhơn, Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức, Tiên Hưng quận công Phạm Văn Nhân, Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương, Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên, Ninh Giang quận công Tống Viết Phước…

Sau cùng, cần lưu ý rằng trong Gia Định tam hùng thật ra chỉ có Võ Tánh là người Gia Định. Ngay cả trong nội dung chính trị chống Tây Sơn, từ Gia Định ở đây vẫn mang ý nghĩa văn hóa xuất phát từ truyền thống hội tụ của lịch sử Việt Nam ở Nam Bộ – vùng đất này sẵn sàng dung nạp và nhất hóa tất cả các yếu tố bên ngoài để tồn tại và phát triển, bất kể các yếu tố ấy có nguồn gốc từ đâu…

Theo Cao Tự Thanh, Một trăm câu hỏi đáp về lịch sử Sài Gòn trước 1802, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2007

 
Comments Off on Gia Định thời kỳ 1777 – 1802 (3)

Posted by on May 28, 2008 in Uncategorized

 

Comments are closed.