RSS

Gia Định thời kỳ 1777 – 1802 (4)

28 May

Bộ phận người Hoa trong quân đội của Nguyễn Ánh

Ngoài số quân Hòa Nghĩa còn lại sau khi Lý Tài chết, trong quân Nguyễn Ánh sau 1778 có một lực lượng người Hoa đáng kể, trong đó nổi bật là đám hải tặc dư đảng Bạch Liên giáo do Hà Hỷ Văn cầm đầu.

Sử chép Hà Hỷ Văn người Tứ Xuyên Trung Quốc, là dư đảng Bạch Liên giáo, đầu tiên tụ họp bè lũ ngoài biển, đi cướp bóc ở khoảng Mân (Phúc Kiến) Việt (Quảng Đông), có lẽ bị quan quân nhà Thanh truy tiễu nên chạy qua Đàng Trong. Mùa xuân năm 1786, Hỷ Văn đỗ thuyền ở đảo Côn Lôn, nghe Nguyễn Ánh sang trú chân ở Bangkok, có ý quy thuận, bèn sai bộ thuộc là bọn Lương Văn Anh, Chu Viễn Quyền và Huỳnh Trung Đồng nộp tờ xin quy phụ, được Ánh thu nhận. Năm 1787, Ánh từ Xiêm trở về tới đảo Cổ Cốt, sai Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thái Nguyên tới chiêu dụ. Hỷ Văn đem thuộc hạ về theo, được bổ làm Thống binh, Tổng binh, Phi kỵ úy có thứ bậc khác nhau. Năm 1795 Hỷ Văn đem chiến thuyền vượt Quy Nhơn qua Thuận Hóa tới Bắc Hà thăm dò tình hình Tây Sơn, rồi đi Liêm Châu chiêu dụ bọn cướp biển Tề Ngôi được 23 thuyền về quy thuận. Năm 1792 Hỷ Văn theo Nguyễn Ánh đánh ra Quy Nhơn, nhiều lần lập công. Đến cuối 1801 ốm chết trong quân, Ánh rất thương tiếc, sai chôn cất rất hậu, năm 1804 đưa vào thờ ở đền Hiển trung Gia Định, năm 1807 tặng Chiêu nghị tướng quân Thủy quân Thống chế Thượng Hộ quân. Thuộc hạ của Hỷ Văn là Lương Văn Anh, Chu Viễn Quyền và Huỳnh Trung Đồng đều làm quan tới chức Tuần hải Phó Đô dinh. Trong đời Minh Mạng Trung Đồng có tội bị miễn chức, rồi lại được khởi phục làm Tuần hải Chánh Đô dinh.

Ngoài nhóm Hà Hỷ Văn, còn có Trần Công Dẫn người Phúc Kiến Trung Quốc, qua Nam xin quy thuận Nguyễn Ánh. Khoảng 1788 theo Ánh đánh trận có công, được phong làm Khâm sai Chưởng cơ dinh Trung quân, coi đạo Toàn Dũng, được giao quản quân dân người Thanh mới cũ, cũng là một nhân vật đáng chú ý trong số quân tướng người Hoa theo Nguyễn Ánh trước 1802. Đặc biệt, năm 1791 Nguyễn Ánh sai Thuộc nội Cai cơ Tăng Đức Thần sức cho người Thanh cũ mới ai mộ được 25 hay 30 người thì cho lập thành một đội, coi một chiếc thuyền ô, có việc thì tòng quân, không việc thì buôn bán mà sống, cho miễn dao dịch, xem ra dường như ít nhiều có biệt nhãn với bộ phận Hoa kiều này.

Nhìn chung các nhóm người Hoa gia nhập quân đội Nguyễn Ánh thời gian 1778 – 1802 có hai con đường tương ứng với hai thời kỳ. Một là con đường của các toán cướp biển loại Hà Hỷ Văn quy phụ Nguyễn Ánh trước 1788, hai là con đường của “các nhóm người Thanh mới cũ” dưới quyền Trần Công Dẫn sau 1788. Người ta cũng thấy 200 bộ chúng của Vinh Ma Ly người Xiêm quy phụ Nguyễn Ánh năm 1783 là theo con đường thứ nhất, còn số quân Xiêm trong đồn Xiêm binh dưới quyền Nguyễn Văn Tồn sau khi Nguyễn Ánh trở về Gia Định năm 1788 là theo con đường thứ hai. Cho nên có thể nói thêm rằng chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh đã tác động tới cả tình hình an ninh trong khu vực vịnh Thái Lan cuối thế kỷ XVIII. Trước 1788, quân Nguyễn Ánh trốn lánh Tây Sơn trong vịnh Thái Lan nhiều khi đói quá cũng phải đánh cướp các thuyền buôn qua lại (chẳng hạn Nguyễn Văn Thành từng bị thương vì cướp gạo của thuyền buôn Singapore), nghĩa là trong thực tế đã trở thành lực lượng mạnh nhất trong đám cướp biển hoạt động ở khu vực này, và việc một lực lượng quân đội chuyên nghiệp làm việc cướp bóc kiểu nghiệp dư thôn tính được các toán cướp biển chuyên nghiệp như Hà Hỷ Văn, Vinh Ma Ly theo một hình thức hòa bình như vậy cũng là điều tất yếu…

Bộ phận người Khmer và người Xiêm trong quân đội của Nguyễn Ánh

Sử sách ghi nhận sau khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định đánh tan thủy quân Nguyễn Ánh đầu năm 1783, quân Nguyễn Ánh lại tụ họp ở giồng Tuyên Tự (nay thuộc huyện Bình Chánh), thì có một cánh quân Chân Lạp (có lẽ chủ yếu là người Khmer Nam Bộ) do Nguyễn Huỳnh Đức cai quản làm hậu ứng. Truyện Nguyễn Huỳnh Đức trong Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập chép trong trận này, Đức cùng 500 thuộc hạ đều bị bắt, con số trên có thể không thật chính xác nhưng cũng cho thấy từ trước 1788 trong quân Nguyễn Ánh đã có không ít người Khmer. Đến 1787 khi Nguyễn Ánh từ Xiêm về, trong đám tướng sĩ về theo có một người Khmer là Nguyễn Văn Tồn được sai đi chiêu tập người Khmer ở Trà Vinh, Mân Thít được vài ngàn người dồn bổ làm binh, gọi là đồn Xiêm binh, Tồn làm Thống quản.

Cuối 1793 khi Ánh rút quân về Gia Định, sai Đông cung Cảnh ra giữ Diên Khánh thì gọi Nguyễn Huỳnh Đức về, nhưng sai lưu những quân Chân Lạp, Chà Và dưới quyền Đức ở lại Diên Khánh để sai phái, qua 1794 sửa đắp thành Diên Khánh xong mới “cho quân Xiêm về. Sắc cho lưu trấn t
hần Gia Định phát 1.000 quan tiền kho cấp cho họ”.

Đến 1795 Nguyễn Văn Tồn xin lập Phiên binh phủ Trà Vinh làm một chi năm hiệu, Phiên binh xứ Mân Thít làm đạo Tiền du, đặt các chức Chánh Phó Trưởng chi, Trưởng hiệu, Cai đội, Đội trưởng để cai quản. Nguyễn Ánh ưng thuận, lấy Ốc nha Diệp và Ốc nha Oa làm Chánh Phó Trưởng chi quản các hiệu đội Phiên binh 1.500 người, theo Nguyễn Văn Tồn ra Bà Rịa chịu sai phái trong quân. Đầu năm 1800 khi đang đánh ra Quy Nhơn, Ánh lại ra lệnh trưng tập 5.000 quân người Khmer, hẹn ngày họp đủ để theo việc quân.

Năm 1797 sai Khâm sai Đô đốc Hiệu úy Tiền chi dinh Trung quân Nguyễn Công Thái điều bát quân voi các đạo và quân Xiêm dẹp loạn Ba phủ.

Sau 1802 Gia Long cho Nguyễn Văn Tồn đem bộ thuộc về quê nghỉ ngơi, kế đặt đồn ở bảo Trà Ôn thuộc Trấn Giang để canh giữ, kiêm quản cả hai phủ Trà Vinh, Mân Thít lệ thuộc dinh Vĩnh Trấn. Năm 1810 đổi tên đồn Xiêm binh là đồn Uy Viễn, cho Tồn làm Thống đồn trông coi, năm 1811 thăng Tồn làm Thống chế vẫn coi đồn ấy. Sau đó Tồn còn đem quân đi đóng thú ở Phnom Penh, đào sông Vĩnh Tế. Qua 1820 Tồn chết, Minh Mạng sai người dụ tế, cho hai cây gấm Trung Quốc, 20 tấm vải, 100 quan tiền, cấp cho 7 người phu coi mộ. Con Tồn là Vi, làm Cai đội coi cơ Tịnh Biên (đồn Uy Đại), năm 1833 Lê Văn Khôi làm binh biến, có người tố cáo Vi ngầm giao thông với Khôi, rồi sau Vi chết, triều Nguyễn cũng không xét tới nữa, nhưng có lẽ từ đó đồn Uy Viễn cũng giải thể.

Ngoài Nguyễn Văn Tồn, trước 1802 còn có một người Khmer mang tên Việt là Diệp Mậu, đầu tiên đầu quân làm Trưởng chi, theo quân Nguyễn Ánh đánh trận, lại xuất của nhà giúp việc quân phí, năm 1804 được thăng làm Khâm sai Cai cơ coi phủ Trà Vinh.

Về bộ phận người Xiêm, thì trước 1788 trong quân Nguyễn Ánh có Vinh Ma Ly người Xiêm, đầu tiên tránh loạn Oan Sản đem quân ra chiếm giữ đảo Cổ Long. Năm 1783 Tây Sơn vào đánh, Ánh chạy ra Hà Tiên, Vinh Ma Ly đem quân bộ thuộc hơn 200 người và hơn 10 chiến thuyền tới xin theo, Ánh ưng thuận. Nhưng chỉ vài tháng sau quân Tây Sơn đánh tới hòn Đá Chồng, Vinh Ma Ly và Tôn Thất Cốc, Lê Phúc Điển đều bị bắt giết. Từ đó trở đi không thấy tài liệu nào nói tới việc quân Nguyễn Ánh tuyển mộ người Xiêm, nhưng năm 1788 khi Lưu thủ Hà Tiên là Tham tướng Mạc Tử Sanh chết thì Ánh lấy Khâm sai Cai cơ Ngô Ma người Xiêm tạm quản trấn vụ Hà Tiên, chi tiết này cho thấy đương thời trong quân Nguyễn Ánh vẫn có người Xiêm. Hơn thế nữa, năm 1793 khi chiếm được Bình Khang, Nguyễn Ánh đã ra lệnh cấm ngặt quan quân không được vào làng xóm quấy nhiễu, nhưng vẫn còn sợ vì trong quân “có quân người Thanh, người Tây, người Xiêm La tính tình hung hãn, khi say rượu thì khó ngăn giữ”, nên cấm các hàng quán chợ búa vùng Nha Trang không được bán rượu, ai trái lệnh phạt 50 roi. Cần lưu ý rằng mấy ngàn quân mà Nguyễn Văn Tồn chiêu mộ được ở Trà Vinh Mân Thít sau 1788 có tên là đồn Xiêm binh, nên rất có thể có một số lượng đáng kể là người Xiêm. Tình hình này cũng dễ giải thích, vì cuối thế kỷ XVIII Xiêm La thường xuyên có giặc giã loạn lạc, đói kém mất mùa, nên việc một bộ phận cư dân người Xiêm dời qua cư trú ở Chân Lạp, Hà Tiên rồi ứng mộ vào quân Nguyễn Ánh là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Bộ phận người Chăm trong quân đội của Nguyễn Ánh

Từ thời Đàng Trong, người Chăm ở Nam Trung Bộ đã từng bước hòa nhập và trở thành một bộ phận trong cộng đồng Việt Nam. Năm 1691 Hiển tông Phước Châu lập trấn Thuận Thành như một khu tự trị của người Chăm, năm 1712 Phiên vương Thuận Thành Kế Bà Tử xin định luật lệ cho xứ ấy. Hiển tông sai văn thần bàn định ban cho năm điều, trong đó điều thứ hai “Phàm dân Việt (Kinh) kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành (Chăm) thì do Phiên vương và Cai bạ Ký lục xử đoán, dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xử đoán” và điều thứ năm “Dân Thuận Thành xiêu tán tới dinh Phiên Trấn, đều đã thả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên” cho thấy chính quyền Đàng Trong một mặt vẫn áp dụng chính sách sử dụng quan lại người Chăm đồng thời dành ra một không gian tự trị cần thiết phù hợp với truyền thống văn hóa của họ, nhưng mặt khác cũng không cho phép họ nhân danh chế độ tự trị hay tập tục truyền thống để tùy ý bóc lột hà hiếp “con đỏ của triều đình”.

Năm 1789, Lê Văn Quân đem quân ra đánh Tây Sơn ở Bình Thuận, có Môn Lai Phù Tử con Phiên vương người Chăm cũ đem quân theo giúp, sau khi thắng trận quan lại người Chăm cùng xin cho Môn Lai Phù Tử lãnh việc trấn. Bọn Lê Văn Quân tâu lên, cuối 1790 Nguyễn Ánh ban cho Môn Lai Phù T
ử tên Việt là Nguyễn Văn Chiêu, phong làm Khâm sai Chưởng cơ quản các việc quan và dân người Chăm ở vùng Bình Thuận Ninh Thuận, lại phong hai viên quan người Chăm là Bô Cà Đáo và Thôn Ba Hú làm Khâm sai Thống binh Cai cơ giúp việc cho Chiêu, cũng ban cho tên Việt, Bô Cà Đáo là Nguyễn Văn Chấn, Thôn Ba Hú là Nguyễn Văn Hào. Về sau Chiêu làm phản theo Tây Sơn bị giết, Ánh lấy bọn Chấn, Hào thay Chiêu coi việc binh dân trấn Thuận Thành.

Năm 1797, khi dẹp loạn Ba phủ Nguyễn Ánh sai Khâm sai Đô đốc Hiệu úy Tiền chi dinh Trung quân Nguyễn Công Thái điều bát quân voi các đạo và quân Xiêm từ Ma Ly đánh tới Phố Châm thì cũng sai bọn Chưởng cơ trấn Thuận Thành Nguyễn Văn Hào, Chánh trấn Nguyễn Văn Chấn đem quân từ Đàn Linh tiến lên phối hợp, trong số quân Thuận Thành này chắc chắn có không ít người Chăm. Đến 1799 Nguyễn Văn Hào chết, Nguyễn Ánh sai ban cho 200 quan tiền, 1 cây gấm để chôn cất.

Nhìn chung vùng Nam Trung Bộ có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dễ lấy mà khó giữ nên không phải là mục tiêu quan trọng trong hoạt động quân sự của cả hai bên Tây Sơn và Nguyễn Ánh cuối thế kỷ XVIII, vai trò của bộ phận người Chăm trong quân đội Nguyễn Ánh ở vùng này vì vậy cũng tương đối mờ nhạt. Tuy nhiên là cửa ngõ đánh ra miền Trung của bộ binh Nguyễn Ánh, đây lại là nơi quân đội Gia Định bước đầu làm quen với một hệ thống địa hình cũng như phương tiện kỹ thuật – chiến thuật khác. Năm 1795 Nguyễn Ánh sai Chưởng cơ Thuận Thành Nguyễn Văn Hào và Chánh trấn Nguyễn Văn Chấn theo ngạch cũ lập cơ An tượng 20 người để bắt voi hiến nộp, qua 1796 hai người hiến 20 thớt voi – quá trình hình thành binh chủng Tượng quân trong quân đội Gia Định cuối thế kỷ XVIII rõ ràng có phần đóng góp quan trọng của người Chăm.

Pigneau de Béhaine

Pigneau de Béhaine, tên trong thư tịch Việt Hán là Bi Nhu hay Bá Đa Lộc, sinh ngày 2. 11. 1741 tại làng Origny tỉnh Aisne miền bắc nước Pháp. Lúc nhỏ học Chủng viện ở quê, sau học tiếp trong Chủng viện của Hội Truyền giáo Nước ngoài ở Paris, năm 1765 nhận chức Linh mục và sau đó qua Đàng Trong truyền giáo.

Tháng 3. 1767 Pigneau tới Đàng Trong, đầu tiên được bổ nhiệm làm giáo sư rồi ngay sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Chủng viện Hòn Đất ở Hà Tiên. Đầu năm 1770, vì Hà Tiên có chiến tranh, Chủng viện Hòn Đất dời sang Pondichéry, Ấn Độ. Pigneau ở đó đến tháng 7. 1774 thì được tấn phong Giám mục, sau đó qua Ma Cao rồi vào Đàng Trong nhận chức Đại diện Tông tòa, đến ngày 24. 2. 1774 được tấn phong làm Giám mục hiệu tòa Adran.

Giữa tháng 3. 1775, Pigneau về tới Hà Tiên. Nhưng đến 1778 nhìn chung Pigneau chỉ mới qua lại vùng Hà Tiên giáp giới Campuchia. Khi Nguyễn Ánh vừa trở thành người thừa kế cái ngai vàng rệu rã của họ Nguyễn Đàng Trong với danh hiệu Đại Nguyên soái Nhiếp quốc chính và chiếm lại Gia Định năm 1778, Pigneau mới tới Chủng viện Tân Triều phía bắc thành phố Biên Hòa hiện nay.

Tháng 4. 1782, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đem quân vào Gia Định, Nguyễn Ánh thua chạy, Pigneau và Chủng viện Tân Triều cũng lánh sang Campuchia. Cuối tháng 10. 1782, sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, Pigneau đưa Chủng viện về Mạc Bắc (Vĩnh Long) nhưng tháng 3. 1783, nghe tin quân Tây Sơn trở lại, Pigneau đã đem hoàng tử Cảnh con Nguyễn Ánh đi Pondichéry rồi qua Pháp cầu viện. Ngày 28. 11. 1787 thay mặt Nguyễn Ánh, Pigneau ký Hiệp ước Versailles với triều đình Louis XVI, nhưng sau đó vì nhiều lý do, Hiệp ước này đã không được thực hiện. Tuy nhiên bằng phương tiện và quan hệ cá nhân, Pigneau đã huy động được một số võ khí chiến thuyền và chiêu mộ nhiều người phiêu lưu đánh thuê phương Tây tới phục vụ trong quân đội của Nguyễn Ánh. Tháng 7. 1789, sau khi Ánh đã chiếm lại được Gia Định lần cuối, Pigneau đưa hoàng tử Cảnh về Gia Định, được Ánh phong là Điều chế chiến tào Thủy bộ viện binh Giám mục Thượng sư. Từ đó trở đi với chức vụ này Pigneau đã đóng vai trò cố vấn quân sự và ngoại giao của triều đình Gia Định, thậm chí còn nhiều lần theo quân Nguyễn Ánh ra đánh Tây Sơn ở vùng Nam Trung Bộ. Sự lựa chọn chính trị đầy màu sắc thế tục này của Pigneau đã khiến Tòa Thánh có không ít lời dị nghị, nhưng được Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris ủng hộ, vị Giám mục này đã không bị Bộ Truyền giáo của Roma khiển trách. Hơn thế nữa, đối với một số giáo sĩ dưới quyền Pigneau, điều đó dường như lại là hoàn toàn chính đáng. Trong một bức thư đề ngày 25. 4. 1797, thừa sai Le Labousse đã giải thích “Chắc chắn rằng tất cả những gì ngài đã làm và đang làm cho nhà vua, nếu không nhằm đem lại cho xứ sở Đàng Trong một Clovis hay một Constantin (Clovis là vua Pháp, theo đạo Thiên chúa năm 496, Constantin là hoàng đế La Mã, theo đạo Thiên chúa năm 323) thì quả là vô ích, nhưng bao giờ ngài cũng chỉ muốn cho các thừa sai được tự do, và hôm nay ngài còn ở lại
bên cạnh nhà vua cũng chỉ là để ngăn chặn nhà vua bằng uy tín của người, bởi vì nếu người ra đi thì chắc chắn là gây thiệt hại. Hơn nữa nhà vua còn hơn quân phiến loạn (chỉ Tây Sơn) và chắc là nhà vua sẽ không đi tới chỗ bách hại chúng ta cho đến khi nào vị Giám mục tốt lành của chúng ta còn ở đây”.

Ngày 9. 10. 1799, Pigneau chết ở Quy Nhơn, thi hài được đưa về Gia Định, được chính quyền Nguyễn Ánh truy tặng Thái tử Thái phó Bi Nhu quận công, đặt tên thụy là Trung Ý (trung thành nhu thuận) và tổ chức an táng trọng thể theo nghi thức nửa Công giáo nửa Nho giáo, xây mộ rất khang trang ở Sài Gòn, dân gian vẫn gọi là Lăng Cha Cả.

Nội dung Hiệp ước Versailles

Cuối 1784, Pigneau de Béhaine đưa hoàng tử Cảnh cùng Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm xuống tàu qua Ấn Độ Dương vào Pondichéry ở Ấn Độ, ở lại gần 20 tháng, đến đầu 1787 mới vào cửa Lorient nước Pháp. Pigneau đưa Cảnh vào yết kiến vua Pháp Louis XVI, vua Pháp lấy vương lễ tiếp đãi Cảnh và giao cho Thượng thư Bộ Ngoại giao là Bá tước De Montmorin bàn việc sang giúp Nguyễn Ánh.

Đến ngày 28. 11. 1787 thì hiệp ước Versailles được ký kết giữa bá tước De Montmorin, đại diện Louis XVI và Pigneau, đại diện Nguyễn Ánh. Hiệp ước Versailles gồm 10 điều khoản và hai Phụ lục, là một hiệp ước có lợi cho Pháp. Nguyễn Ánh chỉ được Pháp giúp 4 tàu chiến và 1.600 binh lính với khí giới đạn dược “để chiếm lại và thừa hưởng các tỉnh thành của mình” (điều 1 và 2). Toàn bộ kinh phí của sự viện trợ này khoảng 100.000 tới 200.000 đồng bạc theo ước tính của Pigneau và triều đình Pháp. Để bù lại, nước Pháp được trọn quyền sở hữu hòn đảo trước cảng Đà Nẵng (điều 3) và đảo Poulo Condor (điều 5). Ngoài ra vua Pháp cùng vua Đàng Trong đồng sở hữu cảng Đà Nẵng và người Pháp được thiết lập các cơ sở trên đất liền để giao lưu buôn bán hoặc sửa chữa và đóng mới tàu thuyền (điều 4). “Thần dân của vua nước Pháp được hoàn toàn tự do độc quyền buôn bán trong các tỉnh thành của vua Đàng Trong, tất cả các người châu Âu khác không được dự phần, họ được tự do đi lại và cư trú để buôn bán không bị cản trở và không phải đóng bất cứ một thứ thuế liên quan đến bản thân họ, miễn là họ mang theo thông hành do quan chỉ huy đảo Hội Nam (sic) cấp. Họ được quyền nhập khẩu tất cả các hàng hóa từ châu Âu và từ các nước khác trên thế giới, ngoại trừ những hàng hóa bị luật pháp trong nước cấm. Họ cũng được xuất khẩu tất cả các hàng hóa của xứ này và các xứ lân cận không có loại trừ nào, họ cũng chỉ trả những thứ thuế xuất nhập mà người bản xứ đang phải trả và các thứ thuế này không bao giờ được tăng với bất kỳ lý do nào. Cũng quy định rằng tất cả các tàu thuyền nước ngoài, tàu buôn cũng như tàu chiến, chỉ được phép vào các tỉnh thành của vua Đàng Trong dưới màu cờ và với thông hành Pháp” (điều 6). Khi vua nước Pháp bị tấn công hay lâm chiến, thì vua Đàng Trong “phải trợ giúp bằng binh lính, thủy thủ, lương thực và tàu thuyền, các trợ giúp này phải được thực hiện ba tháng sau khi có yêu cầu, và chỉ được sử dụng không quá các đảo Moluques và La Santé bên vùng eo biển Malacca. Vua Đàng Trong phải chịu các chi phí của viện binh này” (điều 8). Trái lại, khi vua Đàng Trong gặp biến loạn, thì vua nước Pháp cũng sẽ trợ giúp, tùy theo mức độ cần thiết của hoàn cảnh, “nhưng các trợ giúp này không bao giờ vượt quá các khoản được nêu trong điều 2 của hiệp ước này” (điều 9). Hơn nữa trong một bản tuyên bố về việc xây cất các cơ sở của Pháp tại đảo Hội Nam (sic) và đảo Poulo Condor hay trên đất liền của Đàng Trong, Pigneau còn cam kết là vua Đàng Trong sẽ chịu các chi phí thiết lập đầu tiên bằng vật liệu hoặc tiền bạc theo ước tính sau này… Cần nói thêm rằng Đại Nam Hoàng triều Bi Nhu quận công phương tích lục do Trương Vĩnh Ký khảo hiệu, bản in chữ Hán, Nhà in Nazareth, Hương Cảng, 1897 chép lúc Nguyễn Ánh giao hoàng tử Cảnh cho Pigneau đem qua Pháp cầu viện đã “đưa quốc thư và Điều ước gồm mười bốn khoản do các bề tôi bàn bạc dự thảo cho Pigneau mang theo, tùy nghi bàn bạc thêm bớt” (Tức thân thủ quốc thư tịnh chư thần dị nghị thập tứ khoản điều ước đới hành, tùy nghi chiếu biện tăng tổn xuất nhập), chưa rõ hiệp ước Versailles giữ lại bao nhiêu trong mười bốn điều khoản trên.

Hiệp ước ký xong, Louis XVI giao cho Bá tước De Conway, Tổng trấn Pondichéry ở Ấn Độ thu xếp việc phái quân sang giúp Nguyễn Ánh. Ngày 8. 12. 1787, Pigneau vào bái tạ Louis XVI, rồi đem hoàng tử Cảnh xuống tàu về Pondichéry. Nhưng vì bất hòa với Pigneau nên Bá tước De Conway tìm cách cản trở việc thi hành Hiệp ước, kế tâu lên vua Pháp xin bãi việc ấy đi, với lý do là việc giúp đỡ Nguyễn Ánh rất khó khăn mà không có lợi gì. Triều đình Pháp thấy sớ của Bá tước De Conway cũng chán nản, vả lại lúc bấy giờ còn phải đối phó với phong trào cách mạng đang nhen nhóm khắp nơi, nên cũng bỏ luôn việc ấy. Song mặc dù không được thực thi, giống như việc cầu viện quân Xiêm năm 1783, Hiệp ước Versailles vẫn là một vết nhơ trong lịch sử đối ngoại của chính quyền Nguyễn Ánh trước 1802.

Tuy không được thực hiện trong thực tế, Hiệp ước Versailles vẫn có một chi tiết rất đáng quan tâm, đó là nó hoàn toàn không có điều khoản nào nói tới việc tự do truyền giáo của người Pháp ở Việt Nam, trong khi lẽ ra đây phải là mối quan tâm hàng đầu của Pigneau với tư cách là Đại diện Tông tòa Đàng Trong. Trong khi đó, như người ta đã biết, điều 2 trong dự thảo hiệp ước giữa Nguyễn Ánh và Bồ Đào Nha năm 1786 có nói “Vua Đàng Trong sẽ cho đạo Kitô được tự do xây cất nhà thờ ở bất cứ nơi nào cần thiết”. Có người đã đưa ra hai giả thuyết để giải thích điểm bất thường này. Một là vì Pigneau sợ phản ứng của các tôn giáo khác ở Đàng Trong nên không đưa vấn đề truyền giáo vào, hai là vì tin chắc rằng mình sẽ thành công trong toan tính Công giáo hóa chính quyền Gia Định nên thấy một điều khoản như vậy là không cần thiết.

Vai trò của Pigneau trong chính quyền Nguyễn Ánh sau 1788

Với chức vụ Điều chế chiến tào Thủy bộ viện binh Giám mục Thượng sư được phong năm 1789, vai trò của Pigneau de Béhaine trong chính quyền Nguyễn Ánh sau khi từ Pháp trở về Gia Định hoàn toàn là một vị trí thế tục. Thất bại trong việc biến Hiệp ước Versailles thành hiện thực, Pigneau đã nỗ lực tận dụng các quan hệ cá nhân để quyên góp tiền bạc mua súng đạn tàu chiến, chiêu mộ các thủy thủ và binh lính đào ngũ người phương Tây giúp Nguyễn Ánh huấn luyện quân đội và sử dụng binh khí kỹ thuật phương Tây.

Các tài liệu phương Tây được viết bởi A. Faure, E. Louvet, Boisseran, Bouillevaux, Chaigneau… đều khẳng định Pigneau đã dùng tiền riêng mua súng đạn tàu chiến cho Nguyễn Ánh, mặc dù có rất nhiều điểm mâu thuẫn hay không rõ ràng. Tuy nhiên trong một lá thư viết vào tháng 7. 1789, Pigneau có nói “Tôi vừa tới Đàng Trong… Tôi đã thỏa thuận với vua Đàng Trong… Tôi đang chờ các tàu buôn từ Pondichéry tới trong ít hôm nữa. Nếu các tàu đó tới, sẽ thay thế dễ dàng cho các tàu chiến…”, còn một bài Văn tế đức Thượng sư của triều đình Gia Định về sau cũng có câu “Đoàn thiết tử tán hoa ngân, giúp vận nước nhà khi thiếu thốn”, bấy nhiêu cho phép khẳng định rằng không nhiều thì ít Pigneau cũng đã có những giúp đỡ vật chất cho Nguyễn Ánh trong việc mua sắm trang bị kỹ thuật quân sự để chống Tây Sơn.

Về ngoại giao, từ 1790 trở đi Nguyễn Ánh có nhiều thư từ qua lại với vua các nước Anh, Đan Mạch. Lời lẽ trong các thư từ ngoại giao ấy có nhiều nét Tây phương và hiện đại, nên có người cho rằng có lẽ Pigneau hay các thừa sai dưới quyền như Le Labousse, Boisserand đã giúp đỡ Ánh trong các hoạt động này.

Về quân sự thì De Labissachère cho biết Pigneau đã dịch nhiều tài liệu quân sự bằng tiếng Pháp cho Nguyễn Ánh đọc, hơn thế nữa còn rất quan tâm tới hoạt động quân sự của Ánh, thúc giục Ánh tích cực tấn công Tây Sơn, thậm chí còn nhiều lần dọa bỏ về châu Âu để làm áp lực. Ngoài ra Pigneau còn vài lần theo quân của hoàng tử Cảnh ra Nam Trung Bộ, như một bài Văn tế đức Thượng sư của triều đình Gia Định sau này ca ngợi “Mấy thu trấn biên thành Diên Khánh, tặc đảng đà mất vía kinh hồn”. Thừa sai Lavoué, một trong những người có mặt trong thành Nha Trang khi bị quân đội Tây Sơn bao vây tháng 5. 1794 kể lại trong một bức thư đề ngày 29. 5. 1794 rằng “Tất cả mọi người đều thừa nhận là nếu không có Đức Giám mục trong thành, thì quân Tây Sơn nhất định đã chiếm được thành và điều này là rất chắc chắn, bởi vì quân địch tới đã làm mọi người hoảng sợ. Người ta đưa mắt nhìn lên Đức Giám mục, người ta an tâm khi thấy người với một vẻ bình tĩnh cổ vũ các quan và chế giễu những người run sợ…”. Năm 1799, khi Nguyễn Ánh vây thành Quy Nhơn, Pigneau cũng có mặt. Tuy gần một tháng sau khi Pigneau chết Nguyễn Ánh mới chiếm được thành, nhưng theo nhận định của thừa sai Le Labousse “Cuộc chiếm thành lừng lẫy này cũng như những chiến công vang dội trước đó là kết quả từ những ý kiến khôn ngoan của Đức Giám mục chúng ta. Nếu người không ở Quy Nhơn, thì quân Tây Sơn ngạo nghễ vẫn còn ở đó…”.

Gạt ra một bên các mâu thuẫn vì lý do tôn giáo, có thể nói trong thời gian sau 1788 Pigneau đã chiếm một vị trí rất cao trong triều đình Gia Định. Trong đám tang Pigneau ở Sài Gòn cuối năm 1799, người ta đã ghi nhận sự có mặt của cả các hậu phi của Nguyễn Ánh. Không phải ngẫu nhiên mà trong La geste Francaise en Indochine, G. Taboulet đã xưng tụng Pigneau như “linh hồn của cuộc đấu tranh chống bọn thoán đoạt Tây Sơn” đối với cá nhân Nguyễn Ánh, còn trong bài văn bia trên mộ Pigneau ở Lăng Cha Cả, chính quyền Gia Định cũng công khai thừa nhận “…Nước ta dần dần tới được chỗ có thế trung hưng là nhờ sức thầy nhiều”.

Các giáo sĩ dưới quyền Pigneau de Béhaine

Diễn ra vào lúc châu Âu đa
ng nỗ lực mở rộng hoạt động ngoại thương và truyền giáo ra các nước châu Á và châu Phi, nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh cuối thế kỷ XVIII cũng mang trong nó nhiều yếu tố thời đại mà cụ thể là sự tham gia ở nhiều mức độ khác nhau của chính giới, thương nhân và giáo sĩ phương Tây. Chẳng hạn Lãnh sự Pháp ở Ma Cao là De Guignes đã làm trung gian mua nhiều tàu cho Nguyễn Ánh, hay trong hội nghị ở Port Louis ngày 3. 9. 1788, nhà cầm quyền ở các đảo Ile de France, Bourbon đã ra tuyên ngôn xin tự do giao thương với Cochinchine. Một tờ trình gởi Quốc hội Pháp ngày 2. 12. 1790 của đảo này đã nói “Ở đây có những người tình nguyện, những người Cafres và tàu bè khí giới cho cuộc viễn chinh. Nhiều nhà buôn yêu nước của thuộc địa này đã hiến cho Giám mục Adran tài sản của họ để giúp ông thi hành một dự tính thật có lợi cho nước Pháp”. Các giáo sĩ dĩ nhiên cũng không chịu thua kém đồng bào mình về lòng yêu nước, trong đó tiêu biểu là Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong Pigneau de Béhaine mà sau này trong quyển La gestte Francaise en Indochine, G. Taboulet sẽ đề cao như “người sáng lập ra một Đông Dương hiện đại – một Đông Dương thuộc Pháp”. Hơn thế nữa dường như Pigneau còn thuyết phục được các thừa sai dưới quyền về công thức hai vế Truyền giáo để làm chính trị và Làm chính trị để truyền giáo, nên mặc dù bị Bộ Truyền giáo của Roma đương thời cấm ngặt không cho phép tham gia vào hoạt động chính trị của xứ sở mà họ tới truyền giáo, nhiều giáo sĩ phương Tây ở Nam Bộ vẫn nhiệt tình giúp đỡ Nguyễn Ánh chống Tây Sơn. Trong thời gian sau 1788, họ đã đóng vai trò người trung gian chủ yếu giúp Ánh trong các hoạt động mộ quân mua súng, giao thiệp với thương nhân và liên lạc với chính giới phương Tây đồng thời là các điệp viên đắc lực trong việc do thám tình hình chính trị, quân sự và ngoại giao của Tây Sơn ở vùng Trung Bắc. Chẳng hạn trong thư gởi Letondal ở Ma Cao ngày 15. 7. 1789 hỏi thăm về trận Đống Đa, Olivier viết “Chính vì muốn biết những chi tiết mới nhất về trận đánh ấy mà hôm qua hoàng thượng đã bảo tôi viết thư cho cha, nhờ viên thuyền trưởng Antonio Vincenti…”, và như người ta đã thấy, phần lớn thư từ ngoại giao với phương Tây của Nguyễn Ánh có thể đã được chấp bút bởi các giáo sĩ Le Labousse, Boisserand, Jacques Liot… Tuy nhiên không chỉ sau 1788, mà ngay từ khi Ánh vừa được tôn là Đại Nguyên soái Nhiếp quốc chính năm 1778 thì một số trong Lớp người Phiêu lưu của Chúa và của Lòng Bác ái này đã có nhiều hành động giúp Ánh chống Tây Sơn. Đầu năm 1783 lúc chạy ra Phú Quốc, Ánh đã nhờ linh mục Ginestar và thầy giảng Emmanuel đem thư đi Manille cầu viện, còn trong suốt thời gian chống chọi và trốn lánh Tây Sơn trước 1788 Ánh cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía các giáo sĩ phương Tây. Sau đây là nguyên văn một lá thư của Nguyễn Ánh lúc ở đảo Thổ Châu cuối năm 1783 gởi Jacques Liot nhờ chuyển thư cho Pigneau và thu mua gạo rồi sai giáo dân chở tới cho mình, tóm lại đã giao cho vị giáo sĩ này chức trách của một viên Cục trưởng Hậu cần lâm thời. Jacques Liot (1751 – 1811) là một giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris, tới Sài Gòn năm 1779, năm 1780 coi Chủng viện Hà Tiên, đến 1784 theo trường qua Chantaboun, đến 1791 theo trường về Lái Thiêu. Nguyên bản lá thư này viết bằng chữ Nôm, là bản sao do Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành cấp cho các giáo sĩ Pháp ngày 25 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 8 (19. 6. 1827) nên có đóng dấu Tả quân, được L. Cadière công bố trong Les Francaise au service de Gia Long – Nguyễn Ánh et la Mission – Documents innédits, Bulletin des Amis du Vieux Huế, Janv – Mars 1926:

“Tờ vu thầy Cai trường ngỏ hay: nay vừa tiếp thấy người trong bổn đạo thầy cho đem mật tín cùng các lý mới tường để sự. Lại như trên này quan quân theo thậm nhiều nhưng mà lương hướng còn mười hai ngày nữa, vậy nên sai Thuộc nội Cai đội Sung đức hầu lãnh tờ nhị phong cùng thập liêm bảy lượng theo người bổn đạo đem xuống. Kíp sai người tâm phúc đem Sung đức hầu cùng tờ xuống trình qua Thượng sư ngõ tường cơ sự, còn thập liêm thời sở cậy thầy cùng bổn đạo lấy vật ấy mà biện mãi lương mễ trợ khi nguy cấp, bằng mua được bao nhiêu, đa đa ích thiện càng tốt. Như mua rồi cậy bổn đạo trang tải lương ấy điệu hồi giao nạp, tiện ư cấp phát. Nay tờ.

Ngày 22 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 44 (15. 12. 1783)”.

(Có đóng dấu “Tả quân”)

Những người phương Tây tham gia quân đội Nguyễn Ánh trước 1802

Mặc dù gây ra những tổn thất mang tính hủy diệt đối với đời sống xã hội, chiến tranh vẫn phải vận hành trên cơ sở các lực lượng và phương tiện của xã hội, và trong ý nghĩa này, nó cũng là sự kế thừa truyền thống mặc dù một cách không toàn diện. Cho nên trên phương diện thành phần tộc người, sự phát triển của quân đội Nguyễn Ánh cũng phản ảnh và tiếp nối truyền thống phát triển đời sống xã hội mang màu sắc đa dân tộc đã định hình ở Gia Định từ thời Đàng Trong, trong đó ngoài các tộc người Việt, Hoa và Khmer… ở Việt Nam còn có cả người Chân Lạp, Xiêm La, Trung Quốc, ngoài người các quốc gia Đông Nam Á còn có cả người nhiều nước phương Tây như Pháp, Anh, Irlandais…

Từ trước 1788, trong quân Nguyễn Ánh đã có một số người phương Tây, trong đó có Manuel (Mạn Hòe). Đại Nam Chính biên liệt truyện chép nh
ân vật này là “đồ đệ” của Pigneau, được Pigneau giới thiệu nên Nguyễn Ánh phong làm Khâm sai Thuộc nội Cai cơ quản đội Trung khuông, sau khi chết được truy tặng Hiệu nghĩa công thần Phụ quốc thượng tướng quân. Trong trận đánh ở sông Ngã Bảy năm 1782, thủy quân Tây Sơn nhân gió mạnh tràn lên, quân Nguyễn Ánh tan chạy, chỉ còn một mình Manuel cưỡi tàu Tây đánh rất lâu, quân Tây Sơn xúm lại vây chặt, ném hỏa khí đốt tàu mới giết được Manuel. Nhưng từ 1788 trở đi số lượng người phương Tây trong quân Nguyễn Ánh mới thực sự trở nên đông đảo. Thất bại trong việc biến Hiệp ước Versailles thành hiện thực, Pigneau đã đứng ra mộ người, mua tàu bè súng đạn đem về giúp Nguyễn Ánh, và Nguyễn Ánh cũng có cả một chủ trương sử dụng đám người phiêu lưu đánh thuê này. Phần lớn đám này là thủy thủ các tàu buôn và binh lính phương Tây đào ngũ, hy vọng làm giàu mau lẹ nên tình nguyện phục vụ “vua Nam Hà”. Căn cứ danh sách thủy thủ của các tàu thuyền qua lại trong khu vực thời gian 1789 – 1791, A. Faure đã kết luận “Số thủy thủ người Pháp bỏ trốn khỏi tàu lên tới 359 người và phần lớn nếu không phải là tất cả số này đã theo vua Nam Hà và là linh hồn lục quân và thủy quân của nhà vua”. Trong thư ngày 18. 7. 1794, Pigneau cũng cho biết là có ít nhất 40 người châu Âu trong bộ binh và một số người nữa trong thủy quân. Đám này kẻ trước người sau tới rồi đi, trong đó một số được sử thần triều Nguyễn đề cập tới nhiều nhất như Jean Marie Dayot (Trí lược hầu Nguyễn Văn Trí – Đa Đột), Alexis Olivier de Puynamel (Nguyễn Văn Tín), Jean Baptites Chaigneau (Thắng toàn hầu Nguyễn Văn Thắng, chúa tàu Long), De Forcan (Lê Văn Lăng), Laurent Barizy (Thành trí hầu), Philippe Vannier (Chấn vũ hầu Nguyễn Văn Chấn, chúa tàu Phụng), Le Brun (Thạch oai hầu)… đều được phong quan chức, trở thành lực lượng hạt nhân trong việc huấn luyện chiến thuật, chế tạo võ khí phương Tây cho quân đội Nguyễn Ánh. Họ kế tiếp nhau kẻ tới người đi, đến khoảng 1793 – 1794 thì rút đi gần hết, chủ yếu vì thất vọng về chính sách đãi ngộ của chính quyền Gia Định. Năm 1793 Olivier từng than phiền rằng họ siêng năng phục vụ mà không giàu có thêm chút nào, đây là biểu hiện tâm lý điển hình của bọn người phiêu lưu đánh thuê phương Tây tham gia vào cuộc nội chiến cuối thế kỷ XVIII ở Việt Nam. Dĩ nhiên họ cũng được phép buôn bán riêng thu lợi mà không phải đóng thuế. Năm 1800 Despiau mua được của Chưởng dinh Hữu quân (Nguyễn Huỳnh Đức?) một chiếc thuyền, mua muối và gạo chở qua bán ở Ấn Độ, còn trước đó, năm 1799 Olivier đi Malacca bán một thuyền cau lãi được 3.000 đồng… Cũng có người như Barizy đi khoảng giữa năm 1800, Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép “Thả cho thuyền trưởng người Hồng Mao là Ba La Di về nước, cho một chiếc chiến thuyền”, có lẽ là một thuyền hàng. Hai người nổi tiếng nhất trong số này là Jean Baptites Chaigneau và Philippe Vannier vẫn còn ở lại Việt Nam đến đầu đời Minh Mạng mới về Pháp, riêng Jean Baptites Chaigneau có một người vợ người Việt tên Thị Sen, sau Hòa ước 1862 sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp thì bà vẫn còn sống và có tới ra mắt sứ bộ. Hai người sinh được một con trai, đặt tên nửa Pháp nửa Việt là Michel Đức Chaigneau, ông này về sau có phiên âm – phiên dịch Thơ Nam KỳThơ tiếp theo Thơ Nam Kỳ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ latinh và chữ Pháp, xuất bản năm 1876 ở Paris.

Nhìn chung trước 1802, những người phương Tây này không đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tác chiến, nhưng ở một mức độ đáng kể họ đã tác động tích cực tới việc hiện đại hóa quân đội của Nguyễn Ánh về kỹ thuật và chiến thuật mà đặc biệt là trong lực lượng thủy quân, đây là lý do khiến một số sử gia thực dân đầu thế kỷ XX có xu hướng thổi phồng vai trò của họ. Nhưng sau 1802 triều Nguyễn bế quan tỏa cảng không muốn nhắc tới những kỷ niệm thời mở cửa ấy, nên truyện của những người phương Tây trong Đại Nam Chính biên liệt truyện chỉ được chép phụ vào Truyện Bá Đa Lộc, với tư thế một loại “Di Địch” tự nguyện làm bề tôi của Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long… Có thể ít nhiều thấy được cách nhìn này qua bài Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây của Hồ Huân Nghiệp năm 1864 “Vả xưa kia Tây đã cúi đầu, Đến nay lại Tây nào trở mặt” hay bài Nhị nguyệt nhị thập thất nhật mộng tùng đại giá thân chinh tận phục Nam Kỳ cố địa… của Tùng Thiện vương Miên Thẩm viết năm 1869 “Thắng giả Chấn giả vi tiền du” (Tên Thắng tên Chấn làm tiền khu).

Theo Cao Tự Thanh, Một trăm câu hỏi đáp về lịch sử Sài Gòn trước 1802, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2007

 
Comments Off on Gia Định thời kỳ 1777 – 1802 (4)

Posted by on May 28, 2008 in Uncategorized

 

Comments are closed.